Chủ trì Hội nghị Giám đốc Sở Xây dựng Trần Việt Quý phát biểu tại hội nghị
Tại hội nghị, đại diện đơn vị tư vấn lập đồ án (Viện Nghiên cứu thiết kế Đô thị UDI thuộc Viện quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia) đã trình bày tóm tắt thuyết minh tổng hợp đồ án. Theo đó, Khu du lịch quốc gia Hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái nằm trên địa bàn huyện Yên Bình và huyện Lục Yên. Trong đó phạm vi thuộc huyện Yên Bình có tổng diện tích khoảng 43.364ha (21 thị trấn, xã): Gồm toàn bộ địa giới hành chính thị trấn Thác Bà và 3 xã Phúc Ninh, Mông Sơn, Mỹ Gia; một phần diện tích của thị trấn Yên Bình và 16 xã (Ngọc Chấn, Cảm Nhân, Yên Thành, Phúc An, Vũ Linh, Vĩnh Kiên, Đại Đồng, Tân Hương, Thịnh Hưng, Hán Đà, Xuân Long, Tân Nguyên, Bảo Ái, Cảm Ân, Xuân Lai và Đại Minh). Phạm vi thuộc huyện Lục Yên có diện tích khoảng 10.023ha gồm một phần của 06 xã (Mường Lai, Liễu Đô, Minh Tiến, Vĩnh Lạc, An Phú và Phan Thanh). Dự báo đến năm 2040, dân số khu vực đạt 265 nghìn người, lượng khách du lịch đạt xấp xỉ 4,5 triệu lượt khách.
Đồ án nhằm cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1775/QĐ-TTg ngày 19/12/2018, quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Yên Bái và các quy hoạch khác có liên quan với mục tiêu xây dựng Khu du lịch quốc gia Hồ Thác Bà trong tương lai thành khu du lịch quốc gia trọng tâm của vùng trung du và miền núi Bắc bộ, với sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với văn hóa Thái và hệ sinh thái Hồ Thác Bà với các loại hình du lịch đa dạng.
Tại Hội nghị, đại diện các Sở, ngành và địa phương đã có ý kiến tập trung góp ý cho đồ án về các định hướng cụ thể để phát triển Khu du lịch quốc gia Hồ Thác Bà, đặc biệt các nội dung về môi trường (lòng hồ), vấn đề an ninh quốc phòng (bảo toàn công trình quốc gia Thủy điện Hòa Bình). Đây không chỉ là vùng sinh thái mà còn đảm trách những chức năng chính về hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia, liên vùng (cấp điện, cấp nước, điều tiết lũ, bảo vệ nguồn nước…), do đó các nội dung trong đồ án phải gắn với vấn đề bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị cảnh quan thiên nhiên, văn hóa; gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai; đảm bảo an ninh – quốc phòng; đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Hồ Thác Bà và nhà máy thủy điện Thác Bà. Hội đồng nhất trí đánh giá nội dung đồ án cơ bản phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành; tuy nhiên xét về tổng thể, đồ án chưa nêu bật được những điểm nhấn du lịch của tỉnh Yên Bái, sự khác biệt với các tỉnh khác trong khu vực.
Toàn cảnh hội nghị
Tổng hợp các ý kiến đóng góp của Hội nghị, Giám đốc Sở Xây dựng Trần Việt Quý đề nghị đơn vị tư vấn nghiêm túc tiếp thu, trên cơ sở đó rà soát, bổ sung, chỉnh sửa để hoàn thiện đồ án, sớm trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét trước khi trình Bộ Xây dựng thẩm định (Thủ tướng Chính phủ phê duyệt). Giám đốc Sở Xây dựng Trần Việt Quý cũng yêu cầu đơn vị lập đồ án làm rõ hơn tiềm năng thế mạnh cùng những điểm yếu, thách thức của du lịch Yên Bái. Phần tiềm năng phát triển du lịch là nội dung rất quan trọng cần có sự đánh giá, phân tích kỹ lưỡng, sâu sắc hơn, từ đó đưa ra những giải pháp khắc phục, nâng cao lợi thế so với các khu du lịch có điều kiện tương tự ở các địa phương khác (như hồ Hoà Bình, hồ Núi Cốc…). Cần phân tích đánh giá kỹ mối tương quan giữa tỉnh Yên Bái với nội vùng Thủ đô và vùng trung du miền núi phía Bắc. Giám đốc Sở Xây dựng cũng lưu ý đồ án cần đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ về quy hoạch xây dựng và quy hoạch du lịch; nghiên cứu kỹ quy hoạch sử dụng đất; bổ sung các cơ sở, luận cứ thuyết phục về các chỉ tiêu dự báo và phân định các khu chức năng; đánh giá tác động hai chiều giữa hoạt động của nhà máy thủy điện Yên Bái, các doanh nghiệp đã được cấp chủ trương đầu tư đang hoạt động sản xuất ổn định với hoạt động phát triển du lịch trong tương lai…
Ths.KTS Nguyễn Thế Nghĩa.